Bài học xây dựng an toàn từ vụ sập nhà 4 tầng đang hoàn thiện

Posted on 22 Tháng Sáu, 2021

Theo các kỹ sư, kiến trúc sư, những yếu tố có tính chất quyết định đến sự an toàn của một công trình nhà là địa chất, hồ sơ thiết kế, nhà thầu thi công, vật liệu xây dựng…

Căn nhà 4 tầng tại Bình Dương đang hoàn thiện bất ngờ sập nát tầng một, khối 3 tầng còn lại sụp nguyên xuống mặt đất và đè lên căn nhà bên cạnh đã đặt ra nhiều câu hỏi và lo ngại về kỹ thuật an toàn trong quá trình xây dựng nhà. Cơ quan chức năng xác định, công trình đã có những thay đổi so với thiết kế được phê duyệt ban đầu.

Theo kỹ sư xây dựng Nguyễn Bảo Toàn, địa chất công trình là yếu tố chủ nhà cần quan tâm nhiều nhất. Đây chính là nền móng đảm bảo sự an toàn của hệ thống công trình. Do tiết kiệm chi phí nên chủ nhà thường ít khi thực hiện khoan khảo sát địa chất. Vì vậy, trong quá trình thiết kế và thi công cần phải tiến hành xem xét và kiểm tra kỹ nền đất. Nếu công trình làm móng nông (móng bè, móng băng, móng đơn) thì tốt nhất phải thực hiện kiểm tra bằng bàn nén hiện trường.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền chia sẻ, về mặt nguyên tắc trước khi muốn xây mới trên nền đất nào thì phải khoan thăm dò khảo sát địa chất khu đó. Cần khoan tối thiểu ở 3 vị trí đặc trưng nhất, khái quát được hết khả năng chịu tải của công trình. Những trường hợp đặc biệt cần khoan nhiều hơn để có được kết quả các tầng địa chất trong toàn khu chuẩn xác hơn, nhất là những công trình quy mô lớn, dàn trải.

Do giá thành của việc khảo sát địa chất khá cao nên người dân khi làm nhà thường dựa vào kinh nghiệm của những nhà lân cận, tính chất đặc trưng của khu đất từng khu vực để đưa ra hướng xử lý nền móng phù hợp. Nếu là người đầu tiên làm nhà ở một khu đất mới thì mọi người thường đào hố móng sâu thử nghiệm để quan sát tính chất đất như thế nào.

Những yếu tố có tính chất quyết định đến sự an toàn của một công trình nhà là địa chất, hồ sơ thiết kế, nhà thầu thi công, vật liệu xây dựng… Ảnh: T.T.

Bước tiếp theo là cần tham quan vị trí địa lý và những yếu tố ảnh hưởng xung quanh, sau đó tính toán tổng tải công trình trên cơ sở bản vẽ kiến trúc đã đuợc thống nhất. Khi tính toán kết cấu, các kỹ sư thường phải nhân với các hệ số an toàn, với tất cả những tải trọng dự kiến sau này sẽ xuất hiện trong công trình để đưa ra bản vẽ thiết kế kết cấu đúng. Nếu công trình đứng đơn phương một mình ngoài trời cần tính đến tải trọng gió. Sự kết hợp giữa người thiết kế kiến trúc và kỹ sư xây dựng rất cần thiết trong giai đoạn này. Một điều thường thấy là các công trình nhà ở bây giờ hệ thống chịu lực chủ yếu là bằng bê tông cốt thép chứ ít chịu lực bằng tường, ngoại trừ một số nhà một tầng.

Trong suốt quá trình thi công, không ít chủ nhà tự ý thay đổi bản vẽ kiến trúc hoặc thay đổi vật liệu hoàn thiện theo ý mình mà quên hay không chú ý đến việc phải thay đổi liên quan đến bản vẽ kết cấu. Điều này rất nguy hiểm vì sự thay đổi đó có thể bản vẽ kết cấu cũ không còn đáp ứng nữa.

“Nếu tính toán quá thừa thì giá thành công trình sẽ nâng cao gây lãng phí nhưng nếu tính toán không đúng, không đủ thì sẽ rất nguy hại, dẫn đến nguy cơ dễ nứt, lún hay sụp đổ”, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền nhấn mạnh. Một số chủ đầu tư tự ý thêm thép vào nhiều hơn bản thiết kế đã được tính toán chi tiết cho yên tâm là sự lãng phí không cần thiết.

Kỹ sư Nguyễn Bảo Toàn khuyên, việc xây dựng nhà phải có hồ sơ thiết kế kết cấu, do công ty tư vấn đủ năng lực thực hiện. Bên cạnh đó, cần chọn nhà thầu có uy tín, có năng lực, có đầy đủ máy móc thiết bị thi công. Trong quá trình thi công cần tổ chức giám sát, nghiệm thu từng giai đoạn kiểm tra xem nhà thầu có thực hiện theo đúng bản vẽ đã được thiết kế hay không. Chẳng hạn việc đặt thép nếu đầy đủ, không bị bớt xén nhưng chỉ cần đặt sai vị trí, không đảm bảo khả năng chịu lực thì sẽ nguy hại cho cả công trình lớn. Ngay cả việc trộn bê tông nếu không đúng tỷ lệ, quá nhão hoặc quá khô thì cũng sẽ không đảm bảo chất lượng.

“Muốn đánh giá năng lực nhà thầu thì đừng quá tin vào cuốn hồ sơ năng lực bóng bẩy mà hãy đề nghị tham quan một công trình do nhà thầu đó đã thực hiện”, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền chia sẻ.

Thực tế hiện nay đội ngũ thợ xây dựng thường chủ yếu là lực lượng lao động phổ thông, tự phát mà không được đào tạo chuyên môn. Do vậy, đôi khi một số kỹ thuật họ thi công không đúng. Chẳng hạn việc đổ bê tông cột, một số người thợ làm theo phương pháp áp ván thật cao rồi đổ bê tông từ trên xuống, sau đó cầm cốt thép lắc qua lại cho bê tông chảy xuống. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng phân tầng bê tông. Những hạt lớn lắng xuống dưới, hạt nhẹ, thậm chí bọt bèo nổi lên trên, khiến cột bê tông không đồng chất, chỗ thì nhiều đá, xi măng, cát vững chắc, chỗ thì không có khả năng chịu lực rất nguy hiểm. Trong khi đó, phương pháp cần thực hiện là đổ từng đoạn một, sử dụng máy đầm dùi để lèn đúng kỹ thuật.

Một điều cần lưu ý là thị trường vật liệu xây dựng như thép, xi măng… hiện nay rất hỗn loạn, có nhiều loại giả hoặc chất lượng kém. Nếu người xây nhà không rành hoặc nhà thầu không có lương tâm, sử dụng hàng kém chất liệu thì sẽ không thể phát huy được khả năng chịu lực.

Với việc nâng cấp cải tạo nâng thêm tầng nhà trên nền công trình cũ, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền phân tích, nâng cấp thêm tầng tức là tăng thêm tải trọng cần bảo đảm nguyên tắc kết cấu hiện hữu có thể chịu được tổng tải cả cũ lẫn mới. Để làm được điều này bắt buộc phải có hồ sơ thiết kế cũ, biên bản nghiệm thu lúc thi công ban đầu. Cần phải xác định việc thi công đó có đúng với hồ sơ thiết kế đang có không để loại trừ nhiều trường hợp nhiều hồ sơ thiết kế rất chỉn chu nhưng thi công lại không đúng.

Về nguyên tắc phải có một đơn vị thẩm tra nền móng có nghiệp vụ, có chứng chỉ hành nghề kiểm tra chất lượng công trình, chịu trách nhiệm đánh giá về chất lượng nền móng, kết cấu đang tồn tại… Khi đơn vị đó quyết định cho phép nâng tầng thì mới được phép nâng cấp thêm theo những nguyên tắc nhất định.


*Trích dẫn bài viết tư vấn của Ths.KTS Phạm Thanh Truyền trên báo VNEpress:
https://vnexpress.net/bai-hoc-xay-dung-an-toan-tu-vu-sap-nha-4-tang-dang-hoan-thien-3098139.html

Call Now