Giám đốc rủ nhân viên cắm trại ở công ty để tránh dịch

Posted on 22 Tháng Sáu, 2021

Ông Phạm Thanh Truyền dựng lều ở hai tầng nhà, tổ chức nấu ăn và vận động nhân viên ở lại công ty hết 15 ngày giãn cách, khi dịch bệnh hạ nhiệt mới về nhà.

5h30 chiều, các nhân viên trong công ty kiến trúc của ông Truyền ở quận 10, kết thúc ngày làm việc như thường lệ. Không một ai vội vã về nhà bởi ba hôm nay họ cùng nhau ở lại công ty để hạn chế di chuyển, tiếp xúc khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở thành phố, nhiều ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây.

“Sau lời kêu gọi người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết của thành phố, tôi vận động mọi người ở lại công ty đến khi nào tình hình dịch được kiểm soát thì về, trước mắt là 15 ngày giãn cách. Bạn nào không ở lại thì sẽ làm việc tại nhà. Mình chủ động cách ly trước khi bị cách ly, mọi thứ đã có công ty lo”, vị giám đốc 50 tuổi nói.

Từ tuần trước, ông Truyền đã cho những nhân viên ở các quận như Tân Phú, Gò Vấp, nơi có nhiều ca nhiễm Covid -19 hay thuộc diện F3, F4 làm việc tại nhà. Tuy sống ở những nơi chưa xuất hiện ca nhiễm, nhưng 28 trong số 45 nhân viên khối văn phòng của công ty quyết định ở lại theo lời kêu gọi.

Nhóm kiến trúc sư của công ty có 9 người, 3 người chọn làm việc ở nhà, 5 người chọn ở lại công ty trong đó có giám đốc Truyền (áo đen). Ảnh: Cát Mộc.

Nhóm kiến trúc sư của công ty có 9 người, 3 người chọn làm việc ở nhà, 5 người chọn ở lại công ty trong đó có giám đốc Truyền (áo đen). Ảnh: Cát Mộc.

Thứ 7 tuần trước, ông Truyền gửi thông báo đến mọi người, tuy nhiên không phải ai cũng tán thành ngay. Nhiều nhân viên không muốn xa gia đình, cũng có những người bị bố mẹ phản đối khi biết sẽ ở lại một nơi đông người.

Nguyễn Thị Tuyết Thanh, 29 tuổi, làm việc ở bộ phận đào tạo của công ty hơn sáu năm nay nhưng chưa bao giờ ở lại công ty qua đêm. Cô gái lấy chồng chưa tròn năm, ở cùng bố mẹ chồng nên ban đầu Thanh không muốn ở lại.

Khi nói chuyện với các thành viên trong gia đình về lời kêu gọi của giám đốc, chồng Thanh bảo “em cứ làm những gì mà em thấy đúng đắn”, đồng thời, bố mẹ chồng cũng đồng tình bởi “hạn chế di chuyển, tiếp xúc trong lúc này là điều cần thiết”.

Cũng giống Thanh, cô nhân viên độc thân Trần Thị Xuân Tiên ban đầu cũng bị ba mẹ phản đối chuyện con gái ở lại công ty vì cho rằng “ở đông người sẽ phức tạp” và lo lắng Tiên khó hòa nhập vì từ trước đến giờ con gái chỉ quen ở trọ một mình. Tiên nhờ chị Tuyết Thanh thay mặt giám đốc gọi điện cho ba mẹ để xin phép và nhận được sự đồng ý. “Ba mẹ mình yên tâm hơn khi biết nam nữ sẽ ngủ ở hai tầng cách biệt, ăn uống công ty cũng lo hết”, cô gái 26 tuổi nói.

Mọi người cùng nhau dọn thức ăn ra bàn. Ảnh: Cát Mộc.

Các bữa ăn tập trung tại nhà ăn của công ty. Ảnh: Cát Mộc.

Trong số 28 người ở lại có hai đầu bếp, ngày thường họ chỉ nấu cho nhân viên hai bữa sáng, trưa, nay thêm bữa tối. Thực phẩm được ông Truyền đặt giao đến. Gạo, đồ tươi như cá, thịt được mua từ quê nhà Quãng Ngãi gửi vào. Rau thì cắt từ vườn của ông ở Long An gửi lên. “Tôi cũng ở lại cùng nhân viên, họ ăn gì tôi ăn đó, nhà gần công ty nhưng cũng không về”, giám đốc Truyền nói.

Trụ sở công ty gồm 5 tầng, ngoài là nơi làm việc, ông còn tận dụng các tầng trống để mở quán cà phê, mở trung tâm đào tạo kiến trúc, tầng làm nhà mẫu cho khách xem. Khi dịch bùng phát ở thành phố, ông đã cho dừng các hoạt này, bây giờ mỗi tầng trống rộng gần 100 m2 sẽ làm chỗ ngủ cho nhân viên.

Sau giờ làm, mọi người cùng ăn tối ở phòng ăn. Ở đây có sân khấu ca nhạc, dàn karaoke, màn hình lớn để cùng nhau xem phim. Đến giờ ngủ, nam nữ chia ra ở hai tầng cách biệt, họ thắp nến thơm, ngủ trong những chiếc lều vải.

“Trước đây, khi đi dã ngoại cùng công ty, những chiếc lều được đặt trên bãi cỏ, bãi biển thì nay được lại cắm trại ngay trong phòng máy lạnh”, Tuyết Thanh cười, chia sẻ.

Nhân viên trong công ty sẽ ngủ trong những chiếc lều cắm trại lớn. Ảnh: Cát Mộc.

Nhân viên trong công ty sẽ ngủ trong những chiếc lều cắm trại lớn. Ảnh: Cát Mộc.

Sau ngày đầu tiên rủ nhân viên ở lại, vị giám đốc nhận thấy việc giặt đồ của mọi người có vẻ bất tiện, tốn thời gian nên hôm sau, ông nhắn mọi người cứ gom đồ của mình lại, hai ngày một lần gửi đến tiệm giặt ủi.

Đến hôm thứ ba, Tuyết Thanh bắt đầu nhớ nhà vì từ trước đến giờ, cô thường chỉ xa gia đình trong vài ngày du lịch hoặc công tác. Cô gái cũng lo nếu dịch không giảm bớt, mình sẽ phải xa gia đình lâu hơn 2 tuần.

“Mình tự an ủi rằng mình và gia đình vẫn an toàn, hằng ngày vẫn thấy nhau qua những cuộc gọi video. Trong công ty có một bạn rất giỏi đàn ghi ta, chắc mình sẽ nhờ bạn ấy dạy vì muốn học từ lâu mà không có thời gian. Khoảng thời gian tự cách ly này sẽ thêm ý nghĩa”, Thanh nói.

Còn Xuân Tiên, cô gái trước nay chỉ thích ở một mình mấy hôm nay đã hòa đồng hơn với mọi người. Cô gái cảm thấy khỏe khoắn, người nhẹ nhàng hơn sau mỗi sáng thức dậy, không còn chật vật lái xe giữa đường phố đông đúc cả tiếng để đến được công ty. Những bữa ăn sáng cùng đồng nghiệp cũng không còn vội vã, cô có thời gian trò chuyện nhiều hơn trước khi bắt đầu công việc.

Vốn là công ty chuyên về thiết kế, xây dựng với hai nhóm làm việc là công trường và ở văn phòng. Hiện tại, khối văn phòng đã tự cách ly còn ở công trường, ông Truyền cũng yêu cầu mỗi điểm thi công chỉ cho phép tối đa 10 công nhân cùng làm việc để hạn chế tiếp xúc.

Vị giám đốc cho biết, dù dịch bệnh đang bùng phát tại Sài Gòn nhưng công ty có những đơn hàng thiết kế, thi công các công trình khắp các tỉnh thành trong nước nên ông vẫn còn lo được cho nhân viên. “Công ty của tôi có một quỹ riêng để làm từ thiện hàng năm. Thay vì lo cho người ngoài, tôi sẽ dùng khoản đó để lo cho nhân viên của mình nếu cần”, ông khẳng định.


*Bài viết trên báo VNEpress:
https://vnexpress.net/giam-doc-ru-nhan-vien-cam-trai-o-cong-ty-de-tranh-dich-4288612.html

Gọi ngay