Hướng Tây – Tây Nam từ lâu được xem là hướng “kỵ” trong xây nhà tại Việt Nam, đặc biệt ở khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như TP.HCM. Nguyên nhân chính là do buổi chiều nắng gắt chiếu trực diện vào mặt nhà, gây ra hiện tượng tích nhiệt kéo dài, khiến không gian sống oi bức, tiêu tốn năng lượng làm mát và ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn sinh hoạt của gia chủ. Vậy nhà hướng Tây có nên xây không? Nếu xây, phải xử lý thế nào?
I. Những giải pháp để chống nắng hướng Tây
1. Thiết kế mặt đứng 2 lớp với khoảng đệm xanh
- Một trong những giải pháp hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi hiện nay là xây tường hai lớp: lớp ngoài là hệ chắn nắng (gạch thông gió, lam bê tông, lam nhôm), lớp trong là tường kín hoặc hệ cửa kính cách nhiệt.
- Khoảng đệm giữa hai lớp này có thể bố trí cây xanh, giúp giảm bức xạ nhiệt, tạo vi khí hậu mát mẻ và điều hòa không khí.
2. Sử dụng gạch thông gió hoặc hệ gạch xếp tạo “lỗ thở”
- Gạch thông gió không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm nhiệt lượng chiếu vào công trình bằng cách tạo lớp đệm không khí, lưu thông gió tự nhiên.
- Hệ gạch xếp sole theo mô-típ linh hoạt giúp đón gió, hạn chế ánh nắng trực tiếp, đồng thời tạo ra hiệu ứng ánh sáng thú vị vào bên trong không gian.
3. Bố trí cây xanh theo tầng và ban công
- Việc phủ xanh theo chiều đứng là xu hướng thiết kế bền vững, đặc biệt hiệu quả với nhà phố mặt tiền hẹp. Cây xanh tại ban công, hành lang và giếng trời giúp giảm nhiệt độ bức xạ, lọc không khí và tạo bóng mát tự nhiên.
- Kết hợp với hệ thống tưới tự động để duy trì thảm thực vật trong điều kiện đô thị.
4. Xử lý mái và sân thượng
- Mái là khu vực chịu bức xạ nhiệt mạnh nhất, do đó cần được xử lý bằng vật liệu cách nhiệt hoặc thiết kế xanh như: vườn mái, mái lưới che phủ, khu trồng rau.
- Một khu vườn trên mái không chỉ giảm nhiệt cho không gian bên dưới mà còn mang lại giá trị sinh thái, giúp tái tạo năng lượng cho người ở.
5. Tối ưu thông gió và giếng trời
- Trong nhà hướng Tây, thiết kế giếng trời và hệ thống thông gió tự nhiên là giải pháp bắt buộc. Các khoảng thông tầng sẽ giúp hút gió, đối lưu không khí nóng và giảm bức bí cho nhà phố đô thị.
6. Chọn vật liệu cách nhiệt và màu sắc phù hợp
- Ưu tiên tông màu trung tính, sáng để phản xạ bức xạ nhiệt. Vật liệu sử dụng cần thân thiện môi trường, có khả năng giữ nhiệt thấp như sàn bê tông mài, gỗ tự nhiên, kính low-e…
II. YOGA House – “Cảm hóa” nắng Tây bằng kiến trúc xanh
Một minh chứng rõ nét cho việc xử lý hướng Tây thành công chính là YOGA House – công trình nhà ở 5 tầng tại Quận 11, TP.HCM do Cát Mộc Design & Construction thiết kế và thi công, vừa đoạt Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2025.
Căn nhà tọa lạc tại khu dân cư đông đúc, nằm ở hướng Tây – Tây Nam, nơi thường xuyên phải chịu bức xạ mặt trời trực diện. Với yêu cầu có nhiều không gian chức năng, thoáng mát, gần gũi thiên nhiên và không dùng điều hòa liên tục, đội ngũ thiết kế đã đưa ra hàng loạt giải pháp hiệu quả:
- Mặt tiền 25.000 viên gạch xếp sole tạo lớp “lá chắn” tự nhiên cho nhà, giúp cản nắng, đón gió và tạo hiệu ứng ánh sáng lung linh theo từng thời điểm.
- Khoảng đệm xanh ở mọi tầng như một lớp màng sinh học giúp điều tiết vi khí hậu, tạo ra không gian sống dễ chịu, trong lành giữa lòng đô thị.
- Hồ cá và cây xanh ở tầng trệt đóng vai trò như “máy điều hòa” tự nhiên, giảm nhiệt độ gió khi đi vào nhà, đồng thời mang lại cảm giác thư giãn cho gia chủ.
- Ban công phủ xanh và giếng trời đôi giúp lưu thông không khí, đẩy khí nóng lên cao, hút gió mát xuống thấp.
- Sân thượng trồng rau và vườn nhiệt đới, kết hợp mái lưới che phủ, giúp chống nóng, che mưa và tạo không gian sinh thái đa chức năng cho gia đình.
Với ngôn ngữ kiến trúc mộc mạc, tối giản, sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ, kính, bê tông trần… Yoga House không chỉ là một công trình nhà ở, mà còn là lời giải cho bài toán kiến trúc chống nắng trong đô thị hiện đại.
Kết luận
Nhà hướng Tây – nếu biết cách xử lý – không chỉ không còn là “bất lợi” mà thậm chí còn trở thành lợi thế kiến trúc, nơi có thể tận dụng ánh sáng chiều đẹp, kết hợp các giải pháp thông minh để tạo ra không gian sống gần gũi, bền vững và sinh thái.
Yoga House là minh chứng điển hình cho triết lý “kiến trúc cảm hóa thiên nhiên” mà Cát Mộc Design & Construction theo đuổi: Kiến trúc không chạy trốn thiên nhiên – mà là sống cùng, sống hài hòa.
ThS.KTS Phạm Thanh Truyền
Cựu Giảng viên ĐH Kiến trúc TP.HCM
Tổng Giám đốc Cát Mộc Group