KIẾN TRÚC SƯ TRẺ BỎ NGHỀ – Khi đam mê bị thử thách bởi thực tế

Gần đây, nhiều bài viết, chia sẻ và tâm sự từ các kiến trúc sư trẻ về chuyện “muốn bỏ nghề”, “đổi nghề” đã khiến không ít người trong giới …chột dạ. Những lý do đưa ra chủ yếu xoay quanh thu nhập thấp, áp lực công việc cao và sự thiếu trân trọng từ thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở cảm xúc cá nhân mà không nhìn sâu vào bản chất vấn đề, chúng ta dễ đánh mất cái nhìn toàn diện về thực trạng và hướng phát triển của nghề kiến trúc hiện nay.

Z6622029495457 2603ab9ea2341e06b26d38749656ef52

1. Đào tạo tràn lan, đương nhiên chất lượng đi xuống:

Trên khắp cả nước hiện nay, số lượng các trường đại học có đào tạo ngành kiến trúc đã không thể đếm xuể. Điều đáng nói là chất lượng đầu vào ngày càng thấp, tiêu chí tuyển sinh bị nới lỏng, nhiều nơi chỉ cần đủ điểm sàn là đã trở thành “sinh viên kiến trúc”. Với nền tảng như vậy, việc đầu ra không đạt kỳ vọng là điều tất yếu.
Kết quả là chúng ta có một lực lượng đông đảo kiến trúc sư nhưng trình độ không đồng đều, thiếu kỹ năng thực chiến, thiếu va chạm thực tế và tư duy thiết kế thiếu chiều sâu… Đó là một thực tế.

2. Kinh tế khó khăn, bất động sản trầm lắng

Không thể phủ nhận giai đoạn gần đây, nền kinh tế đang trải qua nhiều biến động, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, mảnh đất sống còn của ngành kiến trúc đang lâm vào trạng thái đóng băng. Nhiều dự án bị đình trệ, nhà đầu tư thắt chặt ngân sách, chủ nhà dè chừng chi phí thiết kế. Tất cả tạo nên một môi trường làm việc ngột ngạt, thu nhập không ổn định, gây tâm lý chán nản cho các kiến trúc sư, đặc biệt là lớp trẻ.

3. Cạnh tranh không lành mạnh là tự làm hại chính mình

– Khi số lượng kiến trúc sư đông đảo, việc mở công ty thiết kế ngày càng dễ, dẫn đến một hệ quả không mong muốn: cạnh tranh bằng cách hạ giá. Có nơi nhận thiết kế nhà phố chỉ vài triệu đồng, giá thấp đến mức “phi lý”. Thậm chí có nơi còn “thiết kế miễn phí! “Đó là sự sĩ nhục nghề nghiệp”, một người thầy tôi đã nói thế.

– Một số kiến trúc sư lạm dụng AI để đưa những “tác phẩm công nghiệp” cho khách hàng. Thậm chí dùng sản phẩm AI rồi cứ đăng lên FB gán cho công trình anh A, chị B, anh C… Ở tỉnh X,Y,Z… gì đó để quảng bá, nhưng thực tế thì …không có. “Đó là sự lừa dối nghề nghiệp cần lên án”. Một KTS đàn anh phản ứng.
Đây là cuộc đua mà không ai là người chiến thắng, vì càng hạ giá, thì dĩ nhiên chất lượng càng đi xuống. Cuối cùng, người chịu thiệt không chỉ là khách hàng mà chính là doanh nghiệp thiết kế khi mất uy tín và dần bị thị trường đào thải.

4. Nghề vẫn sống tốt nếu làm đúng cách

Tuy nhiên, giữa bức tranh u ám đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp thiết kế – xây dựng hoạt động hiệu quả, có việc làm đều đặn và thu nhập ổn định. Bí quyết không nằm ở giá rẻ mà nằm ở chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp và SỰ TỬ TẾ trong nghề. Khách hàng ngày nay sẵn sàng chi trả cao cho những đơn vị làm việc chỉn chu, minh bạch, đúng tiến độ và có khả năng đồng hành lâu dài sau bàn giao.

5. Cát Mộc Group: Tăng chất lượng phục vụ, không giảm giá

Tại Cát Mộc Group, chúng tôi không chạy đua giảm giá, không đánh đổi thương hiệu bằng những hợp đồng rẻ mạt. Thay vào đó, chúng tôi đầu tư vào đội ngũ, nâng cao chất lượng thiết kế, giám sát thi công chặt chẽ và đặc biệt chú trọng dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi bàn giao. Đó là điều giữ chân khách hàng cũ và mở ra nhiều cơ hội mới từ chính sự giới thiệu chân thành của họ.

6. Đam mê là gốc rễ – Thu nhập là kết quả

Nghề kiến trúc vốn không dễ, đòi hỏi sáng tạo không ngừng, sự tỉ mỉ trong từng chi tiết và bản lĩnh khi đối mặt với hàng loạt áp lực từ tiến độ, khách hàng đến kỹ thuật thi công. Nếu chỉ bước vào nghề vì “nghĩ rằng sẽ có tiền”, thì rất dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn.
Kiến trúc sư phải hành nghề vì đam mê, vì khát khao cống hiến những công trình chất lượng cho xã hội. Khi đã làm tốt, thu nhập tự khắc sẽ đến.
Nhiều kiến trúc sư trẻ đang rời bỏ nghề, không chỉ vì thu nhập, mà vì một hệ sinh thái chưa lành mạnh đang đẩy người làm nghề rời xa lý tưởng ban đầu.
“Chúng ta không thể cứu nghề bằng cách hạ giá. Chúng ta chỉ có thể giữ nghề bằng chất lượng, sự tử tế và lòng kiên định”.

ThS.KTS Phạm Thanh Truyền
CEO Cát Mộc Group